Friday, December 2, 2011

Hình thành năng lực đọc và viết tiếng Việt ở trẻ tiểu học

Sự kiện biết đọc, biết viết làm thay đổi sâu sắc hoạt động ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Một mặt, giúp các em chuyển từ trình độ ngôn ngữ đời sống sang các cơ sở của ngôn ngữ khoa học, mặt khác, tạo nhu cầu rèn luyện và sử dụng ngôn ngữ khoa học của trẻ trong giao tiếp và trong cuộc sống hàng ngày...


Sự hình thành năng lực đọc và viết của trẻ tiểu học
Theo quan điểm của các nhà tâm lý học, sự hình thành năng lực đọc và viết của trẻ tiểu học có những đặc điểm:
Kết thúc lớp 1, ngoài năng lực nghe và nói đã được hình thành trước đó, ở trẻ em 7 tuổi bước đầu hình thành năng lực mới, đó là năng lực sử dụng chữ viết: đọc và viết. Đây là bước chuyển đặc biệt có ý nghĩa, đó là bước chuyển từ mù chữ đến sáng chữ (biết chữ). Trẻ biết đọc và biết viết là sự kiện của đời người, vì ở trẻ lúc này có thêm một năng lực mới, mà năng lực này tạo ra được những năng lực khác như năng lực toán, năng lực văn... kết thúc bậc tiểu học, trẻ đạt được trình độ phổ cập về ngôn ngữ, thể hiện ở kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Về sự phát triển năng lực đọc và viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định cụ thể, như học hết lớp 1 học sinh cần đạt tiêu chuẩn (yêu cầu tối thiểu): đọc 30 tiếng/phút, viết chính tả 25 tiếng/15 phút; kết thúc lớp 5 học sinh phải đạt chuẩn: đọc rành mạch, lưu loát bài văn, bài thơ ngắn; hiểu nội dung, ý nghĩa bài đọc. Viết bài văn tả: bước đầu biết ghi chép đơn giản khi nghe ý kiến hoặc nghe kể chuyện. Nói rõ ý kiến khi thảo luận, nói thành đoạn khi kể hoặc miêu tả (Quy định cho giai đoạn thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ XX).
Sự kiện biết đọc, biết viết làm thay đổi sâu sắc hoạt động ngôn ngữ va nhận thức của trẻ. Một mặt, giúp các em chuyển từ trình độ ngôn ngữ đời sống thường ngày sang các cơ sở của ngôn ngữ khoa học, mặt khác, tạo nhu cầu rèn luyện và sử dụng ngôn ngữ khoa học của trẻ trong giao tiếp và trong đời sống.
Trẻ có ý thức rõ rệt về rèn luyện ngôn ngữ (đọc, viết, nói) trong giao tiếp (thích nói kiểu cách, văn vẻ, đầy đủ ngữ pháp...). Đồng thời nhờ biết đọc, nhu cầu nhận thức được tăng lên rất nhiều. Biểu hiện rõ nhất của sự kiện này là trẻ ham đọc, mê đọc, đọc mọi lúc, mọi nơi, mọi thứ. Vì vậy, định hướng đọc cho trẻ là việc quan trọng của nhà trường và gia đình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đọc và viết của trẻ
Trong thực tiễn, khả năng đọc và viết của trẻ tiểu học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có ba tác nhân quan trọng.
- Phụ thuộc vào đường lối và phương pháp dạy học và viết của nhà trường. Thực nghiệm của nhiều nhà tâm lý học đã chứng minh, các chiến lược dạy khác nhau với các phương pháp dạy khác nhau dẫn đến mức độ, tính chất đọc và viết khác nhau ở học sinh tiểu học.
- Phụ thuộc vào vốn ngôn ngữ cơ bản của trẻ thời kỳ tiểu học đường. Đặc biệt là mức độ hiểu âm vị và khả năng phát âm của trẻ trước khi học đọc và viết. Các nghiên cứu đã cho thấy có kết quả tương quan giữa học đọc và viết với mức độ hiểu ngữ âm của học sinh lớp 1. Các em đọc kém đồng thời cũng hiểu biết kém về ngữ âm. Điều này cho thấy, việc chuẩn bị vốn ngôn ngữ cơ bản cho trẻ trước khi vào tiểu học quan trọng hơn rất nhiều so với việc dạy trước việc đọc và viết cho các em.
- Sự trải nghiệm ngôn ngữ của trẻ trong cuộc sống, nếu trong thời kỳ phát triển ngôn ngữ cơ bản và trong quá trình học đọc và viết, trẻ được trải nghiệm nhiều về ngôn ngữ như được nghe đọc, nghe kể chuyện, được trao đổi nhiều, giao tiếp nhiều... thì việc học đọc và viết sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
http://www.mangthai.vn

0 nhận xét:

Post a Comment