Wednesday, January 4, 2012

Giúp con tránh bạo lực học đường

Cách tốt nhất để ngăn chặn nạn bạo lực học đường là trang bị cho con những giải pháp phòng tránh.

1. Báo ngay với giáo viên
Bạn có thể đặt ra tình huống giả định để phân tích giúp con chọn cách ứng xử hợp lý, rèn luyện cho con bạn bản lĩnh dám báo cáo với giáo viên khi một bạn cùng học bị bắt nạt. Lời khuyên đầu tiên bạn cho con là giải pháp báo cáo trung thực lại sự việc cho giáo viên khi cảm thấy có nguy cơ bị bắt nạt trên đường đến trường, tại sân trường hay trong lớp học.
Một trong những nguyên nhân các em không báo cho giáo viên biết sự việc vì sợ mình trở thành kẻ mách lẻo hay bị vạ lây. Bạn phân tích cùng con để thấy sự khác biệt giữa mách lẻo và thông báo lại sự việc. Sự dũng cảm kịp thời chỉ bằng một tin nhắn!

2. Hô to và ra dấu khi bị bắt nạt
Bạn có thể hướng dẫn con những kỹ năng sống đơn giản như hô to hay ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần. Chắc chắn khi nghe tiếng “cứu cháu với” từ một học sinh hẳn sẽ thu hút được sự chú ý của người xung quanh. Sự cứu giúp kịp thời sẽ giải thoát con bạn và làm nguy cơ xấu giảm đi.
3. Khuyến khích trò chuyện cùng con
Bạn có thường xuyên khích lệ, khơi gợi con trò chuyện về tình hình ở lớp, ở trường. Có điều gì khiến con bạn không thoải mái, chán ghét hay bị bắt nạt. Bạn hãy thoải mái đàm luận, chia sẻ cùng con về tình huống cháu đang vướng mắc.

4. Cần nắm chi tiết của sự việc xô xát
Bạn biết chắc sự thật và tầm quan trọng của việc nắm chi tiết vụ việc xảy ra, do đó đừng nên hỏi con bằng cách tra vấn ai liên quan, ở đâu, khi nào và tình trạng bị bắt nạt đến mức nào. Điều này tuy không dễ nhưng vì con, bạn cần bình tĩnh, khéo léo để tìm được câu trả lời liệu con mình có liên quan đến vụ ẩu đả đó không và bị bắt nạt như thế nào.
5. Gặp giáo viên thảo luận về tình trạng bị bắt nạt
Có thể giáo viên cũng chưa nắm được vụ việc con bạn bị bắt nạt ở trường. Nếu giáo viên và nhà trường biết, chắc chắn sự việc sẽ có tiến triển hoàn toàn khác. Bạn cần trợ giúp con bằng cách chủ động hẹn gặp và thảo luận với giáo viên về vụ việc đó. Nếu cần một giải pháp, một cách giải quyết khác hơn, bạn có thể gặp hiệu trưởng thông báo về vụ việc đó. Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn giải pháp chuyển lớp hay chuyển trường cho con mình, bởi vì đó chưa phải là cái gốc của vấn đề.
6. Chỉ cho con những nguyên nhân dễ dẫn đến xung đột
  • Bằng hình ảnh: Bắt chước những cử chỉ điệu bộ, giao tiếp bằng vẻ mặt không thân thiện, châm chọc qua các hình ảnh, tranh, hình vẽ…
  • Bằng ngôn từ: Đó là cách đặt cho bạn những nickname phản cảm hay những câu đùa thô bạo, hay loan truyền các câu chuyện chế nhạo, lời lẽ đe dọa và xúc phạm bạn bè.
  • Bằng hành động: Ném đồ vật, xô đẩy, va chạm, cản đường đi, đánh đấm, giật tóc, dẫm vào chân nhau… có thể làm tổn thương người khác.
Hãy đặt ra các bài tập tình huống để con bạn trải nghiệm và tìm giải pháp tốt nhất. Dành thời gian chia sẻ tự nhiên cởi mở với con nghĩa là bạn đang tạo ra những điều kiện thích hợp để có thể giúp con xây dựng được tính tự tin, dần dần có những kỹ năng ứng xử linh hoạt, kịp thời trước mọi tình huống. Nên dạy con biết nói lời cảm ơn và xin lỗi nhiều hơn.

0 nhận xét:

Post a Comment