Thursday, December 1, 2011

Giúp con học bài ở nhà có hiệu quả

Học tập vừa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng lại vừa là một công việc khá nặng nề của trẻ. Nhất là thời gian trong hiện nay, ngoài việc học ở trường, trẻ còn phải tham gia nhiều chương trình học thêm khác nhau với một núi bài tập hàng ngày...
Thì việc cha mẹ dành thời gian giúp đỡ con học tập ở nhà có hiệu quả là việc làm vô cùng ý nghĩa.
Quan tâm đến việc học của con
Các nghiên cứu cho thấy, những học sinh có phụ huynh chú ý đến việc học tập của con cái thường đạt điểm số và xếp hạng cao, có khả năng tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa của trường học, có kỹ năng giao tiếp xã hội tốt và dễ dàng tiếp tục học các chương trình cao hơn cũng như vào Đại học.

Góc học tập
Bố trí một phòng hay một góc phòng yên tĩnh nơi có không khí thoáng và ánh sáng đủ. Có trẻ thích học bài ở nhà bếp, có trẻ muốn bật nhạc nhẹ khi học... và trẻ cảm thấy những điều đó giúp trẻ học có kết quả thì hãy để trẻ làm như vậy.

Chuẩn bị dụng cụ học tập
Tập cho trẻ thói quen trước khi ngồi vào bàn học, có đủ dụng cụ học tập để sẵn trên bàn: bút chì, bút màu, thước kẻ... như thế trẻ sẽ có thói quen làm việc có tổ chức và phương pháp.

Lúc nào trẻ học có kết quả nhất
Một số trẻ thích học vào buổi sáng sớm, một số trẻ lại thích học vào buổi tối. Và trẻ thường chỉ tập trung được trong một khoảng thời gian nhất định, khoảng 15 – 30 phút vì vậy nên để trẻ học bài và làm bài từng 15 phút, từng 30 phút... xem kẽ vào đó là những hoạt động thư giãn nhẹ nhàng. Nên thảo luận để thống nhất với trẻ về thời gian học và thời gian giải trí sao cho hợp lý.

Nắm rõ kiến thức ở mỗi bậc học
Cha mẹ nên biết cụ thể chương trình học của trẻ cũng như cách đánh giá kết quả học tập của từng môn học của trường mà con bạn đang theo học ngay từ đầu năm để có định hướng và phương pháp hướng dẫn trẻ một cách có hiệu quả.

Dạy cho con cách học bài và làm bài
Hãy hướng dẫn cho con những cách học bài và làm bài có hiệu quả: ghi nhớ, ghi chép, phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bài, làm bài phải viết trước ra nháp.. như thế trí óc của trẻ sẽ hoạt động một cách cụ thể và tích cực.

Thống nhất với con về thời gian biểu sinh hoạt
Cha mẹ nên trao đổi với con để nhất trí về thời gian biểu sinh hoạt của con. Ví dụ như nên đọc sách 5 đến 10 phút mỗi ngày, cha mẹ gợi ý con chọn sách để đọc nhưng trẻ là người chủ động; không nên xem truyền hình trước khi học bài. Những điều này phát huy ý thức tổ chức đời sống của mình của trẻ. Cha mẹ không nên ra chỉ thị phải làm việc này, phải làm cái kia... như thế đặt trẻ vào vị thế không chủ động, tiêu cực, chỉ biết vâng lời, không có sáng kiến.

Động viên tinh thần
Dù thế nào đi chăng nữa thì cũng có lúc trẻ cảm thấy chán nản, không muốn học bài, làm bài. Mỗi khi như vậy cha mẹ không nên trách mắng trẻ mà kịp thời nhận ra những vấn đề ở trẻ để động viên, hướng dẫn trẻ. Không nên làm bài hộ con dù cho trẻ không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu như trẻ không hiểu thì cần tìm một cách giải thích khác hơn nữa, nhiều cách giải thích khác nhau có tác dụng giúp trẻ hiểu cặn kẽ các bài học hoặc các vấn đề cụ thể.

Kết hợp với các phụ huynh khác để hiểu rõ bọn trẻ hơn
Tất nhiên, mỗi một phụ huynh có thể có nhiều cách và có thể làm điều nhiều việc giúp đỡ con mình. Tuy vậy, việc kết hợp và trao đổi kinh nghiệm với các cha mẹ khác cũng mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giáo dục con cái nói chung và giúp đỡ con học ở nhà nói riêng.


Theo mangthai

0 nhận xét:

Post a Comment