Làm bài tập ở nhà là công việc mà không phải trẻ nào cũng cảm thấy dễ dàng. Nếu ngay từ đầu cha mẹ không để ý hướng dẫn trẻ lập kế hoạch học tập và cách thức thực hiện bài về nhà thì trẻ sẽ chểnh mảng, không hoàn thành bài tập hoặc trẻ sẽ tốn nhiều thời gian mà việc học không hiệu quả, gây nhiều áp lực với trẻ.
Liên lạc với giáo viên
Vào đầu năm học, cha mẹ cần tiếp xúc với giáo viên, tìm hiểu xem cách ra bài tập ở nhà của giáo viên là gì - nó được ra đề như thế nào, bạn cần thống nhất với giáo viên về cách giao nhiệm vụ cho trẻ sau cho phù hợp với trẻ. Sau đó cha mẹ cần duy trì liên lạc với giáo viên, tốt nhất nên có một quyển sổ liên lạc thường ngày với giáo viên để cha mẹ có thể nắm bắt được thông tin của trẻ ở trường và nhiệm vụ ở nhà mà trẻ cần thực hiện. Nếu cha mẹ thấy nhiệm vụ mà giáo viên giao cho trẻ không rõ ràng hoặc là quá tải thì cha mẹ có thể ghi chú lại và để thông tin đến giáo viên nhằm giải thích về trường hợp trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà. Phụ huynh cũng có thể đề nghị gặp giáo viên để có thể thảo luận về độ dài và chất lượng của những bài tập về nhà cho học sinh.
Lập thời gian biểu ở nhà cho trẻ
Để việc học tập của trẻ ở nhà thành một thói quen thì ngay từ đầu cha mẹ cần lập cho trẻ một thời gian biểu học tập ở nhà, yêu cầu trẻ thực hiện đúng kế hoạch. Khi lập thời gian biểu cho trẻ cha mẹ cần chú ý đến những yếu tố sau:- Khả năng của trẻ để thực hiện nhiệm vụ bao gồm cả đặc điểm thể chất của trẻ, năng lực của trẻ.
- Yêu cầu của giáo viên với trẻ.
- Thời gian biểu phù hợp với lứa tuổi của trẻ: trẻ lớp 1,2 không nên học ở nhà quá 1,5 tiếng/1 ngày, trẻ lớp 3,4,5 không nên học ở nhà quá 3 tiếng/1 ngày.
- Bạn cần xen kẽ giữa thời gian làm bài tập về nhà với thời gian sinh hoạt hoặc xen kẽ thời gian học môn khó với môn dễ.
- Bố trí thời gian nghỉ giải lao cho trẻ, không bắt trẻ ngồi học quá lâu.
- Thời gian thực hiện hợp lí nhất là sau bữa ăn tối khoảng 15 phút, bố trí thời gian học phải phù hợp với thời gian sinh hoạt ở nhà, không xếp thời gian học chồng chéo với thời gian ăn uống, tắm gội...
- Yêu cầu trẻ tuân thủ thời gian biểu và yêu cầu mọi người trong gia đình tôn trọng thời gian biểu của trẻ như cha mẹ không để tivi làm ảnh hưởng đến việc trẻ ngồi học bài ở nhà.
- Cha mẹ cần theo dõi việc trẻ có thực hiện đúng không, trong thời gian ngồi bàn học có chú tâm giải quyết bài tập không hay trẻ làm việc riêng.
Thiết kế góc học tập riêng cho trẻ
Nên đặt góc học tập hay bàn học của trẻ trong phòng riêng, có thể ở gần nhà bếp hoặc bàn ăn để người lớn có thể giúp trẻ khi cần. Cần loại bỏ tối đa những yếu tố gây sao lãng việc học của trẻ.Bởi vì trẻ thường học ngay trong phòng riêng của mình nên việc thiết kế một căn phòng nhiều chức năng, tiện dụng quan trọng hơn thiết kế một căn phòng đẹp.
Bàn học dành cho trẻ không cần nhiều không gian để bày bừa nhiều tài liệu. Bàn học cần có chỗ để đặt mọi thứ cần thiết như bút chì, bút, giấy, sách cũng như những vật dụng thiết yếu khác.
Hãy xem xét việc đặt một tấm bảng ghi chú trong phòng của trẻ. Tấm bảng này có thể không đẹp lắm nhưng nên được chia thành nhiều phần để dán lên đó các mẫu giấy ghi chú việc học ở trường. Bạn có thể sơn, vẽ hoặc phủ vải lên tấm bảng để tấm bảng đẹp hơn, thậm chí bạn có thể giao việc trang trí này cho trẻ.
Khi trẻ làm bài tập ở nhà
- Luôn quan tâm đến trẻ khi trẻ làm bài tập ở nhà, ban đầu trẻ chưa quen thì cha mẹ có thể ngồi cạnh trẻ để hướng dẫn trẻ, sau dần để trẻ tự thực hiện nhưng cũng phải luôn theo dõi trẻ.- Khi trẻ gặp khó khăn khi giải quyết bài về nhà: Cha mẹ giúp trẻ là việc cần thiết, ví dụ giúp trẻ đánh vần hoặc kiểm tra kết quả bài tập toán hoặc xem thử tại sao trẻ không thể giải ra bài toán khó. Tuy nhiên, cha mẹ không nên giúp trẻ trong trường hợp trẻ hoàn toàn có thể tự làm được. Cha mẹ phải luôn luôn bình tĩnh và sẵn sàng hỗ trợ trẻ làm bài tập ở nhà. Hãy luôn nhớ rằng giúp trẻ một cách miễn cưỡng thì còn tệ hơn là không giúp gì cả. Cha mẹ cần đọc yêu cầu bài và kiểm tra sau khi trẻ đã hoàn thành công việc.
- Trẻ cần luôn có đủ những dụng cụ học tập: Hãy thường xuyên kiểm tra những vật dụng cần thiết của con bạn. Tốt nhất bạn hãy dạy cho trẻ luôn chuẩn bị đầy đủ giấy, viết, bút chì, giấy ghi chú, tập…
- Hãy khuyến khích trẻ làm những việc sau đây ngoài việc giải các bài tập:
- Ghi chú lại những ý chính đã đọc trong bài
- Học kỹ thuật đọc lướt và nắm ý
- Học cách đọc hiểu các bảng biểu và sơ đồ
- Học cách tóm tắt những gì đã đọc bằng chính ngôn ngữ của mình
- Học cách ghi nhớ ngày tháng, công thức, cách đánh vần từ mới…
Theo mangthai
0 nhận xét:
Post a Comment